Trang chủMặc định"Thép đã tôi thế đấy"

"Thép đã tôi thế đấy"

THÉP ĐÃ TÔI THẾ ĐẤY - NGÔI SAO SÁNG NGỜI CỦA MỘT NỀN VĂN MINH VĨ ĐẠI
Kinh nghiệm khám phá thế giới kì vĩ
3 tháng 2
Những ai yêu nước Nga đều biết CUỐN TIỂU THUYẾT GỐI ĐẦU GIƯỜNG CỦA MỘT THẾ HỆ
THÉP ĐÃ TÔI THẾ ĐẤY - NGÔI SAO SÁNG NGỜI CỦA MỘT NỀN VĂN MINH VĨ ĐẠI
Trong rương báu văn chương của văn học Liên Xô, “ Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nikolai Ostrovsky hiện lên là một viên kim cương hoàn thiện, hoàn mỹ, soi sáng lý tưởng, trở thành quyển sách gối đầu giường của nhiều thanh niên thời bấy giờ. Quyển sách đã và đang chứng minh sức bền bỉ với thời đại, cốt do những giá trị sâu sắc, những bài học về sự cống hiến, về lý tưởng và ý chí mà nó bao hàm.
“Thép đã tôi thế đấy” được sáng tác trong thời kỳ cách mạng sục sôi, khi mà lý tưởng đã trở thành sức mạnh, là nguồn sống đối với nhiều thanh niên trẻ trong xã hội. Tác giả Nikolai Ostrovsky khi ấy phải đối chọi với căn bệnh bại liệt và mù đang dần tàn phá cơ thể ông. Dù trải qua nỗi đau thể xác từng giây, từng phút nhưng trong thâm tâm, người lính trẻ ấy vẫn chẳng lúc nào nguôi ngoai khát khao được cống hiến sức mình cho Tổ Quốc. Thay vì dùng súng đạn, ông ký thác những tâm tư, khát vọng sống mãnh liệt của mình vào ngòi bút để làm vũ khí chống lại quân thù. Bản thân ông chính là một tấm gương sáng ngời cho nghị lực phi thường, niềm khát khao được cống hiến cho đời, cho cách mạng.
Bước vào những trang văn của Nikolai Ostrovsky, người đọc được đồng hành cùng Pavel Korchagin - nhân vật trung tâm của tác phẩm. Anh sinh ra trong một gia đình nghèo khó, phải sống dưới sự bóc lột của tầng lớp quý tộc và phải lao động vất vả từ nhỏ để trang trải cuộc sống gia đình. Dưới cái nhìn của những người quý tộc hàng xóm, Pavel là con của “mụ nấu bếp”, là thằng bé du côn đầy tính tự phát, nghịch ngợm. Nhưng trái ngược với những định kiến của họ, Pavel hiện lên ngay từ những trang sách đầu tiên là một cậu bé hiểu chuyện, ngoan ngoãn và luôn yêu thương mẹ. Hoàn cảnh sống đầy khó khăn ấy đã tôi luyện nên một Pavel trưởng thành, thấu hiểu nỗi khổ nhục mà người những người công nhân đang phải chịu đựng; để từ đó, anh đã nảy sinh những xung đột đầu tiên với những tên quý tộcthuộc chế độ cũ - những kẻ hèn nhát dựa dẫm vào quyền lực để ức hiếp, bóc lột những người yếu thế.
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều con người cùng khổ thời bấy giờ, ý chí đấu tranh của Pavel chưa mang tính giai cấp mà chỉ dừng lại ở mức độ cá nhân. Bước ngoặt trong tư tưởng của anh chỉ đến vào thời khắc anh gặp được người lính thủy Fedor Jukhrai- bạn của anh trai Pavel, và đặc biệt, là một người Bolshevik. Khoảng thời gian được tiếp xúc và trò chuyện cùng Jukhrai đã khiến trái tim rực lửa của người thanh niên Pavel nhen nhóm ý chí chiến đấu của một người Cộng Sản. Phải chăng ý chí ấy đã thôi thúc, thắp lên sự gan dạ trong một trái tim đang khát khao được dâng hiến sức mình cho cách mạng để anh có thể dũng cảm giải cứu Jukhrai từ tay kẻ địch? Cũng từ ấy, cuộc đời Pavel như bước sang một trang mới, từ một cậu bé thất học, sớm phải vất vả bươn chải kiếm sống, anh đã đi theo con đường sáng ngời của cách mạng, đến với cách mạng với tinh thần hăng hái, không ngại khó ngại khổ.
Trên chặng đường của một người chiến sĩ Hồng quân, đã nhiều lần Pavel đối mặt với khó khăn, thách thức, thậm chí là đối mặt với thời khắc sinh tử khốc liệt, nhưng bằng một tấm lòng yêu nước tha thiết và khát vọng sống mãnh liệt, Pavel đã vượt qua hết thảy. Pavel chiến đấu dũng cảm, hết lòng bảo vệ chính quyền Xô viết. Anh đặt niềm tin tuyệt đối vào Đảng, một lòng trung thành với lý tưởng của dân tộc, với tình yêu mãnh liệt đối dành cho giai cấp công nhân, cho Đảng Cộng sản: “Trái tim tôi còn đập ngày nào thì không ai bắt được tôi xa rời Đảng”.
Lý tưởng sống của Pavel là được hết mình cống hiến và đóng góp cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, được xông pha và cố gắng vì hạnh phúc của nhân dân. Đến khi bị bệnh thương hàn, mù lòa và tê liệt, Pavel vẫn thể hiện nghị lực sống đầy “chất thép”, vẫn không ngừng hy vọng và tin tưởng vào một cuộc sống tốt đẹp.
Anh bắt đầu ký thác những tâm tư, tình cảm, những câu chuyện về cuộc đời mình qua câuchữ, dùng tất cả những gì mình có thể hiến dâng cho sự nghiệp anh đã theo đuổi gần như cả một đời. Cuộc đời của anh đã trở thành động lực, lý tưởng của anh đã trở thành kim chỉ nam cho biết bao thế hệ mai sau:
“Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.
Pavel chính là tấm gương lớn cho thế hệ thanh niên Xô Viết thời kỳ đầu, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, luôn rực cháy niềm tin vào lý tưởng cống hiến cao đẹp. Như liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã viết trong “Mãi mãi tuổi hai mươi”: “Cuộc sống của Pavel là một dòng mùa xuân bất tận giữa cuộc đời. Đó là cuộc sống của người Đảng viên trẻ tuổi, cuộc sống của một chiến sĩ hồng quân. Mình thèm khát được sống như thế. Sống trọn vẹn cuộc đời dành cho Đảng, cho giai cấp. Sống vững vàng trước những cơn bão táp của cách mạng và của cuộc đời riêng....”
Bức chân dung của những người chiến sĩ Hồng quân không chỉ được khắc họa qua hình tượng nhân vật Pavel mà còn hiện lên sáng ngời ở những người đồng đội. Ấy là Sergey Bruzzak - bạn thân ngày thơ ấu của Pavel, một chàng trai sẵn sàng rời bỏ gia đình để gia nhập Hồng quân, là Tonia, Rita, Okunev, Pankratov… và rất nhiều chiến sĩ thời ấy, những con người gan dạ, trung thành với lý tưởng sáng ngời và ý chí chiến đấu bền bỉ vì Tổ quốc, vì nhân dân.
“Thép” ở đây chính là tất cả những thanh niên được chiếu sáng bởi lý tưởng cách mạng cao đẹp, nguyện một lòng chiến đấu, hy sinh máu, nước mắt và cả tuổi trẻ cho Đảng Cộng Sản, cho những giá trị lớn lao. “Thép đã được tôi trong lửa bỏng và nước lạnh, khi ấy thép không còn biết sợ nữa!” Chính những con người quả cảm ấy đã làm nên thế hệ thanh niên Xô Viết đầu tiên, đặt nền móng cho sự ra đời đầy vinh quang của Liên Bang Xô Viết.
“Thép đã tôi thế đấy” không chỉ là khúc tráng ca hào hùng về một thế hệ thanh niên ra đời trong bão táp, mà còn mang giá trị to lớn, lan toả sự cao đẹp của khát khao cống hiến và lý tưởng sáng ngời. Đây quả thực là một cuốn tiểu thuyết vĩ đại luôn trường tồn cùng thời gian, một tuyệt tác sẽ mãi được lưu giữ trong trái tim và khối óc của những con người yêu văn chương, của nhân dân lao động và cả những thế hệ thanh niên mai sau.

Đăng ký nhận tin

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết! Đăng ký miễn phí để nhận được thông báo khi có bài viết mới

Bình luận

Cảm ơn mọi người đã ủng hộ, tôi sẽ viết những bài viết chia sẻ kinh nghiệm điều hành, hướng dẫn chi tiết nhất.

Vũ Giang Biên
Tôi là một người yêu du lịch, làm du lịch bằng tất cả tâm huyết và sẵn sàng trao đi những kinh nghiệm và kiến thức đã tích lũy được suốt hành trình 30 năm làm nghề của mình.